Pizza - từ bánh cho người nghèo tới món ăn nổi tiếng

Thứ ba, 24/12/2019, 15:06 GMT+7
Là món ăn đặc trưng của Italy, pizza có nguồn gốc từ người Hy Lạp, với phiên bản đầu tiên là bánh mì mỏng, dẹt nướng với thảo mộc.

Pizza là món ăn nhanh phổ biến trên thế giới. Bạn có thể tìm thấy loại bánh này ở nhiều nhà hàng trong các thành phố. Riêng ở Mỹ, mỗi năm trung bình có khoảng 3 tỷ chiếc bánh được bán ra. Tuy nhiên, món ăn này trước đây thường được bán cho người nghèo.

Chiếc pizza đầu tiên được cho là của người Hy Lạp cổ đại, được làm từ bột mì và nước. Sau khi nhào, bột được đặt nướng trên một phiến đá nóng và thêm vào các loại thảo mộc. Người Hy Lạp gọi món bánh là plakuntos, được dùng như một chiếc đế lót, khi ăn các món hầm hoặc có nước dùng đặc. Loại bánh này đã phổ biến ở Rome, Ai Cập và Babylon. 

pizza_-_11

Bức vẽ mô tả một người bán pizza ở Napoli vào thế kỷ 19. Ảnh: Meisterdrucke.

Vào cuối thế kỷ 18 ở thành phố Napoli, Italy, chiếc bánh pizza như ngày nay đã ra đời. Dưới thời các vị vua Bourbon, Napoli là một trong những thành phố lớn nhất châu Âu và phát triển nhanh chóng. Được thúc đẩy bởi ngoại thương và dòng di cư của người nông thôn, dân số thành phố tăng từ 200.000 năm 1700 đến 399.000 vào năm 1748. Lượng lớn người dân thành phố rơi vào tình trạng đói nghèo. Trước nhu cầu về loại thực phẩm rẻ và dễ ăn, pizza đã trở nên phổ biến.

Loại bánh này khi đó được bán rong, với hình dạng một chiếc bánh dẹt, nhân tỏi, mỡ, muối. Vài phiên bản khác còn có phô mai sữa ngựa, húng quế và vài lát cà chua. Trước đó vào khoảng những năm 1530, người Italy vẫn thường cho rằng cà chua là trái độc và chỉ để trồng trang trí. Tuy nhiên nạn đói đã khiến họ sáng tạo cả nguyên liệu này vào món bánh. 

Trong một thời gian dài, pizza bị các nhà phê bình thực phẩm khinh miệt. Họ thường dùng những từ ngữ như "kinh tởm" khi nói về món bánh gắn liền với người lazzaroni (những người nghèo nhất ở Napoli). Vào năm 1831, người phát minh ra máy điện báo Samuel Morse đã mô tả pizza là "loại bánh buồn nôn nhất", được phủ lên bởi cà chua, phô mai và rắc chút hạt tiêu đen.

Tuy nhiên, người lazzaroni dần có điều kiện kinh tế tốt hơn, pizza vì thế mà xuất hiện trong các nhà hàng, với nhiều loại nhân khác nhau. Sau khi thống nhất Italy, trong chuyến thăm tới Napoli năm 1889, quốc vương Umberto I và nữ hoàng Margherita đã triệu tập các đầu bếp để chuẩn bị các món ăn địa phương. Đầu bếp pizza Raffaelo Esposito lúc bấy giờ đã làm ba loại bánh và một trong đó mang màu của cờ Italy làm từ nhân cà chua, pho mát mozzarella và húng quế. Đây là  chiếc bánh được nữ hoàng yêu thích và sau này được đặt tên là pizza Margherita để bày tỏ sự tôn kính với bà.

pizza_-_12

Margherita là loại bánh pizza phổ biến nhất thế giới. Ảnh: Vankad.

Sau khi nhận được sự yêu thích từ nữ hoàng, pizza đã thoát khỏi mác thức ăn của người lazzaroni và được xuất hiện trong các bữa ăn hoàng gia. Điều này cũng giúp pizza trở thành món ăn chính thức của Italy, bên cạnh mì ống và cháo nóng polenta.

Từ những năm 1930, pizza dần tới phương bắc theo dòng di dân của người Napoli. Khi khách du lịch ngày càng quan tâm tới ẩm thực Italy, các nhà hàng bắt đầu giới thiệu tới họ về pizza và nhiều đặc sản khác. Vì thế, pizza nhanh chóng lan rộng khắp cả nước.

Đến cuối thế kỷ 19, những người di cư Italy tới bờ Đông nước Mỹ và mang ẩm thực của họ tới đây. Pizza đã tìm được ngôi nhà thứ hai của mình ở đất nước này. Năm 1905, tiệm bánh pizza đầu tiên Lombardi đã được mở cửa tại thành phố New York. Đến năm 1939, loại bánh này đã lan rộng tới bang New Jersey, Connecticut và Los Angeles.

Từ những năm 1950, tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghệ nhanh chóng của Mỹ đã giúp pizza thành món ăn nhanh phổ biến. Các nhà hàng sáng tạo ra những loại bánh trữ đông, để người mua nấu theo ý muốn hoặc giao bánh chế biến sẵn tới tận nhà. Năm 1960, các thương hiệu pizza bắt đầu cạnh tranh và mở rộng nhiều chi nhánh ra nước ngoài. Vì vậy pizza dần trở nên phổ biến tới mức bạn có thể tìm thấy chúng ở bất cứ thành phố nào trên thế giới ngày nay.

Lan Hương (Theo Life In Italy, History Today)

Nguồn: vnexpress.net, Thứ hai, 23/12/2019, 10:22 (GMT+7)

Ý kiến của bạn

Hotline

Hotline