Về Bình Dương thưởng thức gỏi măng cụt lạ miệng

Thứ bảy, 18/05/2019, 10:26 GMT+7

Nếu đã quá quen thuộc với các món gỏi truyền thống như: ngó sen, bắp chuối, bồn bồn… thì gỏi măng cụt hay còn gọi là “gỏi nữ hoàng” sẽ cuốn hút bạn ngay từ lần đầu nếm thử. Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của Bình Dương bởi sự giòn ngọt của măng cụt xanh, tươi nguyên tôm thịt và vị chua cay của nước trộn gỏi, tạo nên một món ăn vừa ngon và dân dã.

Nguyên liệu chính làm nên sự đặc biệt của món gỏi này chính là những quả măng cụt Lái Thiêu thơm ngọt ở đất Bình Dương. Ngoài những quả măng cụt chín mang lại giá trị kinh tế cao, măng cụt còn xanh vỏ cũng được người dân khéo léo sử dụng làm nguyên liệu biến tấu cho món gỏi thêm phần độc đáo.

Gỏi măng cụt có vị rất riêng và cách chế biến cũng vô cùng đặc biệt. Người ta sẽ lựa những quả măng cụt vỏ còn xanh nhưng ruột bên trong vừa chín tới để vẫn giữ được độ giòn ngọt, vị chua thanh nhưng không bị chát. Công đoạn khó nhất có lẽ là gọt lớp vỏ bên ngoài sao cho thật khéo để không phạm vào phần thịt, từng lát tròn đều và không bị nát khi trộn gỏi. Bạn muốn chế biến món ăn này nhưng chưa tự tin vào tay nghề bếp núc của mình, xem ngay bí quyết thực hiện món gỏi măng cụt cùng chương trình Món ngon Quê Việt để nắm rõ hơn “tuyệt chiêu” này nhé!

goi-mang-cut-1

 

CÔNG THỨC NẤU
NGUYÊN LIỆU CẦN CHUẨN BỊ

+ 1kg măng cụt còn xanh vỏ

+ 300g tôm

+ 200g thịt ba rọi

+ Củ hành tím, hành tây tím, cà rốt, ớt sừng, tắc

+ Mè rang, rau thơm, gia vị,…

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
Bước 1

Sơ chế măng cụt

Để món gỏi măng cụt không bị mền và quá ngọt, bạn phải chọn được những quả măng cụt chưa chín tới, vỏ đang dần chuyển màu, cơm măng giòn ngọt, có độ chua vừa phải.

Để loại bỏ phần mủ của măng cụt, hãy gọt vỏ dưới vòi nước chảy mạnh hoặc pha một ít nước muối để gọt. Nước muối sẽ giúp măng cụt ra bớt phần mủ và giữ được độ trắng lâu hơn. Sau đó, dùng dao tách nhẹ phần vỏ, tránh làm nát cơm măng.

Bước 2

Luộc thịt và tôm

Cắt đôi 3 củ hành tím, bỏ vào nồi nước đun sôi và cho thêm một ít muối. Tiếp theo, cho tôm vào luộc khoảng 2 - 3 phút thì vớt ra tô nước đá để mau nguội, giữ được độ ngọt và thịt không bị khô. Sau đó, lột bỏ phần vỏ tôm.

Tiếp theo, cho thịt ba rọi vào nồi luộc trong khoảng 20 – 30 phút đến khi thịt nổi trên mặt nước thì tắt bếp, vớt ra tô nước đá để nguội và cắt miếng vừa ăn.

Bước 3

Chuẩn bị nguyên liệu trộn gỏi

Hành tây ngâm nước trong khoảng 5 phút để ra bớt vị hăng, thái mỏng. Nên chọn hành tây tím để món gỏi có thêm nhiều màu sắc.

Phần cơm măng cụt cắt mỏng thành từng lát vừa ăn, ớt sừng thái sợi mỏng để trộn gỏi và trang trí. Cà rốt cũng thái sợi nhỏ, sau đó trộn đều với 1 muỗng canh đường và ướp trong 5 phút.

Để làm hành phi trộn gỏi cần phi thơm phần hành tính đã thái lát mỏng. Chiên bánh phồng tôm trên lửa vừa, ngập dầu để bánh nở và chín vàng đều.

Bước 4

Làm nước trộn gỏi

Vắt 5 - 7 quả tắc lấy nước, bỏ hột. Cho vào chén: 3 muỗng canh nước tắc, 3 muỗng canh nước mắm, 3 muỗng canh đường, 1/2 muỗng canh ớt băm và khuấy đều. Có thể gia giảm và nêm nếm lại sao cho vừa khẩu vị người dùng.

Bước 5

Tiến hành trộn đều các nguyên liệu

Cho tất cả phần măng cụt, cà rốt, hành tây, tôm, thịt, rau răm, ớt thái sợi vào tô. Sau đó, rưới phần nước trộn gỏi và đảo đều tay để các nguyên liệu thấm và hòa quyện vào nhau. Cuối cùng, rắc trên bề mặt gỏi một ít mè rang và hành phi là hoàn thành món gỏi măng cụt thơm ngon, lạ miệng.

goi-mang-cut-2

Gỏi măng cụt không chỉ là món ngon thích hợp cho các bữa tiệc lớn mà ngay trong bữa cơm gia đình cũng hấp dẫn không kém. Gắp một miếng gỏi, ăn kèm với bánh phồng tôm giòn tan và chấm chút nước mắm chua cay kiểu Nam Bộ, bạn mới cảm nhận trọn vẹn hương vị đậm đà, tinh tế của món ngon miệt vườn này.

Để biết thêm nhiều bí kíp nấu ăn ngon, xem ngay chương trình ẩm thực Món ngon Quê Việt đang được phát sóng trên kênh HTV1 vào khung giờ 18h30 – 18h45 mỗi chiều Thứ 5, Chủ nhật và trên HTV9 vào 16h00 – 16h15 Chủ nhật hàng tuần; hoặc trên kênh youtube chính thức và website: www.monngonqueviet.com.

Ý kiến của bạn

Hotline

Hotline