Bánh ú lá tre cho ngày Tết Đoan Ngọ

Thứ sáu, 07/06/2019, 14:58 GMT+7

Là một trong những món bánh truyền thống của Việt Nam, bánh ú lá tre thường được các bà, các chị làm vào dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch (hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ) để thờ cúng tổ tiên, mang hương vị đặc biệt của miền quê dân dã.

Nếu như bánh tét, bánh ít gói bằng lá chuối, bánh dừa gói bằng lá dừa nước thì bánh ú lá tre sẽ được gói bằng lá tre, một loại cây gắn liền với hình ảnh hiên ngang của dân tộc Việt Nam. Ở nhiều nơi, bánh ú lá tre còn được gọi là bánh ú nước tro vì được sử dụng nước tro để làm bánh. Những chiếc bánh nhỏ xinh này luôn được các em nhỏ rất thích vì vừa ngon và nhìn cũng rất vui mắt. Bánh có hình chóp, nhỏ hơn bánh ú, bên trong là nếp cùng với đậu xanh và có vị ngọt thanh.

 

banh_u_la_tre_-_5

 

Theo quan niệm của ông bà xưa, tháng 5 âm lịch là thời điểm tiết trời nắng nóng oi bức, dễ sinh bệnh dịch. Ăn bánh ú lá tre với đặc tính của các nguyên liệu làm bánh từ cây cỏ sẽ có tác dụng dễ tiêu, giải nhiệt, tiêu độc. Vì thế, bánh ú lá tro là món sản vật không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ.

Cách làm món bánh ú lá tre khá đơn giãn, ít nguyên liệu nhưng đòi hỏi người làm bánh phải có sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn.

CÔNG THỨC NẤU
NGUYÊN LIỆU CẦN CHUẨN BỊ
banh_u_la_tre_-_1

+ 600g nếp

+ 200g đậu xanh đãi vỏ

+ 250g đường cát trắng

+ 50ml nước tro

+ 200g lá dứa

+ 1 muỗng canh dầu ăn

+ Lá tre, dây lạc gói bánh.

Nước tro là thành phần cốt yếu tạo nên hương vị và màu sắc của bánh tro khác biệt với những loại bánh khác. Ngày xưa, để có nước tro làm bánh, các bà, các chị thường lấy rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan, để lắng cặn và sử dụng phần nước trong để làm bánh. Nhưng ngày nay, nước tro đã có bán ở các chợ nên thuận tiện cho việc chuẩn bị hơn rất nhiều.

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
Bước 1

Ngâm nếp, ngâm đậu xanh:

+ Gạo nếp vo thật sạch rồi đem ngâm vào chậu nước lạnh khoảng 5 - 6 tiếng thì vớt ra. Sau đó, lấy ra một bát nước tro hòa với 1 lít nước lọc và tiếp tục ngâm phần nếp này qua đêm. Nhờ nước tro mà hạt nếp nở và dẻo hơn. Vớt nếp ra rổ cho ráo nước.

+ Đậu xanh ngâm trong nước từ 2 – 3 tiếng cho hạt nở mềm.

Bước 2

Làm nhân bánh:

+ Bắc nồi lên bếp và luộc phần đậu xanh cho thật mềm, vớt ra để cho ráo nước và tán nhuyễn.

+ Cho phần đậu xanh đã tán nhuyễn lên chảo nóng, cho đường vào đảo đều tay và sên cho đến khi thấy phần nhân có độ đẻo mềm mịn và khô lại.

Bước 3

Gói bánh ú lá tre:

+ Lá tre ngâm nước ấm cho lá mềm, rửa sạch lau khô.

+ Xoắn lá tre thành hình chiếc phễu, dùng thìa múc 1 muỗng canh nếp cho vào trước, cho thêm một muỗng nhân đậu vào giữa, sau đó tiếp tục cho 1 muỗng canh nếp lên. Dùng muỗng ém chặt phần nếp lại với nhau.

+ Gói chặt tay để phần lá thật gọn và phủ kín hết phần bánh, dùng dây lạc để buộc cố định và xâu bánh thành từng chùm khoảng 10 chiếc cho 1 chùm là vừa đủ.

Bước 4

Nấu bánh ú lá tre:

Bắc nồi nước nóng trên bếp và luộc trong khoảng 2 tiếng là chín. Bánh chín thì vớt ra, rửa lại với nước lạnh, mang đi phơi để ráo nước.

Bánh ú lá tre có thể ăn kèm với nước cốt dừa hoặc chấm với đường, mật ong đều rất ngon.

banh_u_la_tre_-_2

Bánh khi hoàn thành có màu vàng nâu nhưng rất trong, có thể thấy ẩn hiện phần nhân đậu xanh bên trong bánh. Bánh sẽ có vị ngọt thanh, mềm dẻo và thơm ngon mùi vị đặc trưng mà đã ăn rồi thì sẽ rất khó để quên được.

Ý kiến của bạn

Hotline

Hotline