Chẳng biết từ bao giờ, dê núi Ninh Bình và tương bần đã “nên đôi, nên cặp”, nhưng người Ninh Bình quả quyết rằng chỉ có tương bần thơm, sánh, đậm đà mới xứng đáng “nên duyên” với dê núi Ninh Bình.
Dê có mùi rất hôi. Để làm mất mùi hôi, trước khi làm thịt, phải khử mùi hôi của nó bằng cách cột con dê lại rồi đánh cho nó kêu, quần cho nó chạy, nhảy quanh. Mùi hôi thoát ra từ mồ hôi, từ tiếng kêu. Dê núi bị đuổi, bị đánh, đến khi bắt được coi như đã xong công đoạn “tra tấn” ấy rồi.
Dê thả núi ăn nhiều loại cây lá, chạy nhảy leo trèo sương gió nhiều hơn cho nên “chất thịt” tốt hơn, ngon và bổ hơn dê nhà. Chỉ nói riêng việc đuổi để bắt dê làm thịt cũng đã là cả một nghệ thuật của “công nghệ” thịt dê rồi.
Nghề nuôi dê phổ biến từ lâu đời ở đất Ninh Bình, nên kinh nghiệm chọn thịt dê ngon thì người Ninh Bình rất rõ. Con dê nặng khoảng 15 đến 20kg, hoặc nhiều nhất là 25kg là có thể “xuất chuồng”, vì ở mức này, thịt dê ngọt, không quá dai và cũng không quá mềm.
Người Ninh Bình rất chuộng món ăn từ dê, nên tay nghề nấu nướng của các đầu bếp cũng ngày càng phát triển.
Dê được người địa phương chế biến thành hàng chục món ăn mà nghe qua đã thèm như dê tái chanh, xào lăn, áp chảo, chiên xù, bóp thấu, hấp cách thủy, hầm rượu vang, nướng ngũ vị, nấu cà ri, sốt vang, chao dầu…
Tuy nhiên từ xưa đến nay, món ngon nhất của thịt dê là món tái. Có ba loại tái dê được ưa thích là tái nhúng,tái lăn, tái vừng. Trong đó món tái vừng là ngon nhất vì nó có nhiều gia vị và đặc biệt có thêm vị béo và mùi thơm nức của lạc rang.
Và chẳng biết từ bao giờ, dê núi Ninh Bình và tương bần đã “nên đôi, nên cặp”, nhưng người Ninh Bình quả quyết rằng chỉ có tương bần thơm, sánh, đậm đà mới xứng đáng “nên duyên” với dê núi Ninh Bình.
Bên cạnh đó, những món ăn kèm không thể thiếu là trái sung muối, lá đinh lăng, lá mơ, lá sung, ngò gai, húng quế…, góp phần làm cho các món ăn thơm lựng, khó quên. Các vị nam nhi khi thưởng thức dê núi Ninh Bình thường nhấm nháp chút rượu Kim Sơn. Có người nói loại rượu này ra đời chỉ để đi kèm với các món dê núi.
Không phải miếng thịt dê nào làm tái cũng ngon. Nguyên liệu để làm món tái dê tất nhiên không thể thiếu thịt dê, riềng, khế, sả, chuối xanh, sung quả, vừng rang, tương. Để món tái dê ngon thì phải biết cách chọn thịt dê.
Thịt để làm tái phải có da có thịt, nguyên thịt nạc không cũng không ngon. Thường thịt hai vách hông (ở con lợn là thịt ba chỉ) là thịt thích hợp nhất với món tái. Nó có da dai mà mềm, có chút mỡ nhưng không ngấy, có thịt nạc nhưng không khô và xơ.
Dùng dao mỏng, sắc thái phay, mỏng và đều. Riềng thái mỏng chỉ, giã nhỏ. Khế, sả thái mỏng... để bóp ướp thịt.
Chuối xanh, sả, sung quả để ăn kèm. Vừng rang xiết sạch vỏ để trước khi ăn trộn đều với thịt cho khô, tơi, rời và thơm hơn. Dù ăn món tái nào thì nước tương để chấm là không thể thiếu. Nó là linh hồn và làm cho món ăn ngon hơn. Tương ăn với tái dê ngon nhất là tương Bần (phố Nối, Hưng Yên). Và người dân quan niệm chỉ có tương Bần với “xứng” với món tái dê này.
Theo Dân trí
Nguồn: vietnamnet.vn (03/08/201)